Trong tâm trí người Việt ta, Lê Long Đĩnh là ông vua xấu xa đồi bại nhất trong lịch sử. Và cái chết của ông cũng mang nhiều bí ẩn, giả thuyết khác nhau. Hãy cùng 35Express tìm hiểu về Lê Long Đĩnh qua bài này nhé!
Lê Long Đĩnh là ai?
Lê Long Đĩnh (986 – 1009) là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tiền Lê. Ông là con trai thứ năm của vua Lê Đại Hành và mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Ông lên ngôi sau khi ám sát người anh trai là Lê Trung Tông để giành ngôi. Tuy nhiên sách Toàn thư chép sự việc Long Đĩnh giết anh trai để cướp ngôi là “dã sử”. Đây được coi là hoàng đế tàn bạo, hoang dâm nhất. Ông làm vua được 4 năm thì mất.
Tóm tắt tiểu sử, lý lịch của Lê Long Đĩnh
Tên húy: | Lê Long Đĩnh (黎龍鋌) Lê Chí Trung (黎至忠) |
Tên thường gọi: | Lê Long Đĩnh |
Niên hiệu: | Ứng Thiên (應天 1005 – 1007) Cảnh Thụy (景瑞 1008 – 1009) |
Năm sinh: | 15/11/986 |
Năm mất: | 19/11/1009 |
Tuổi: | 23 tuổi |
Quốc tịch: | Việt Nam |
Chức vị: | Vua (Hoàng triều Tiền Lê) |
Thân phụ: | Lê Đại Hành |
Thân mẫu: | Quảng Thánh Hoàng thái hậu |
Vị vua tàn bạo nhất trong lịch sử
Ông Đào Duy Anh cho rằng: “Trong số các con Lê Hoàn thì Long Đĩnh là tàn ác nhất”. “Ở đời Ngọa Triều thì không những ác chính của Long Đĩnh đã khiến tất cả các tầng lớp nhân dân trong nước bất bình, mà cả quân đội và bọn quan liêu quý tộc ở triều đình cũng chán”. Học giả Trần Trọng Kim cũng dựa vào các tình tiết được ghi trong các bộ cổ sử để dẫn chứng và nhận xét. “Long Đĩnh là người bạo ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa”. Học giả Trần Trọng Kim đưa ra chủ yếu dựa vào các bộ sử do các nhà sử học đời trước như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên….viết. Danh xưng Lê Long Đĩnh trở thành sự căm ghét của xã hội Đại Cồ Việt lúc bấy giờ
“Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi. Có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống. Có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ. Khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông. Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ. Rồi thỉnh thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi hài hay là nhại tiếng làm trò”.
Bí ẩn cái chết của Hoàng đế
Chết do bị bệnh trĩ
Cái chết của vua Lê Long Đĩnh đánh dấu sự kết thúc của triều Tiền Lê. Nhưng ẩn sau cái chết ấy là nhiều nghi vấn, uẩn khúc xung quanh ông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua say đắm tửu sắc, phát ra bệnh trĩ”. Theo Đông y là do khí hư bị hãm không lưu thông được nên thành bệnh. Tuy nhiên y học hiện nay cho biết dâm dục quá độ không thể là nguyên nhân phát sinh bệnh này. Bệnh trĩ của ông rất nặng, xét ở cấp độ là giai đoạn 4 hiện nay. Vua sẽ rất đau đớn và cấn ở hậu môn, khiến phải nằm, không thể đi đứng, di chuyển.
Từ việc nằm để coi chầu nên vua có biệt danh là Ngọa triều (nằm thiết triều). Thế nhưng, chi tiết này lại mâu thuẫn với các cuộc chinh phạt của ông. Trong 4 năm tại vị, ông có 5 lần thân chinh cầm quân ra ngoài đánh giặc. Thời gian của trận chiến cuối cùng mà ông tham gia là trước khi chết 3 tháng. Để thực hiện được những cuộc chinh chiến liên miên, lâu dài và thành công như vậy, chắc chắn ông phải có một sức khỏe thật tốt. Nguyên nhân bệnh tật dẫn đến cái chết của ông là điều chưa thuyết phục.
Chết do đầu độc
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông đều không có ghi chép lại. Đại Việt sử ký tiền biên có những dòng rất đáng chú ý như sau. “Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương. Nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép”. Nguyên nhân là có thể để trả thù cho chủ cũ. Thiền sư Vạn Hạnh đưa ra lý giải về câu sấm truyền rằng: “vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh; họ Lê mất thì họ Lý nổi lên”. Ông còn trực tiếp khuyên Lý Công Uẩn lợi dụng binh quyền nắm trong tay để trở thành “người đứng đầu muôn dân”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thái độ của Lý Công Uẩn như sau.“Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người anh em đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn. Song từ đấy cũng lấy thế tự phụ, mới nảy lòng ngấp nghé ngôi vua”. Sau khi Long Đĩnh mất, quan chi hậu Đào Cam Mộc, người đại diện cho lực lượng quân đội cũng khuyên Lý Công Uẩn giành lấy vương vị từ tay họ Lê. Nếu thông tin này đúng sự thật, Long Đĩnh không phải ốm chết mà bị Lý Công Uẩn sai người đầu độc chết.